"Cha mẹ không chấp nhận tăng động giảm chú ý tồn tại, khiến bao nhiêu năm tôi luôn nghĩ mình là kẻ thất bại..."

"Không có cha mẹ nào lại không thương con", ai cũng nghĩ vậy! Nhưng khả năng đem lại những điều tốt nhất cho con thì mỗi người sẽ khác nhau. Có những bậc cha mẹ thương con là hiểu con, đồng hành, kiên nhẫn giáo dục con, khiến con mình phát triển tốt nhất với khả năng của chúng, những đứa trẻ bị tăng động trong những gia đình này có nhiều cơ hội được chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời và nhiều khả năng thành công khi lớn lên.

Nhưng cũng có những bậc cha mẹ quá duy tâm, nghĩ con mình luôn là hoàn hảo và sẽ làm được bất kỳ điều gì họ muốn, vì vậy từ chối sự hỗ trợ mà đáng ra rất cần thiết trong những năm đầu hình thành nhân cách và tâm lý cho trẻ.

Ảnh minh họa
Đây là một số tâm sự từ những người có ba mẹ theo quan điểm như trường hợp thứ 2, được đăng lên diễn đàn của Reddit.com, một website tin tức xã hội nổi tiếng của Mỹ:

"Mặc dù cha mẹ tôi là người làm trong ngành y tế nhưng họ không cho tôi được khám chuyên môn dù lúc nhỏ tôi có dấu hiệu của tăng động giảm chú ý, họ không công nhận sự tồn tại của ADHD, họ nói tôi rất thông minh nhưng không chịu cố gắng.
Vài năm sau tôi vào cao đẳng, tôi thật sự cố gắng hết sức và suy sụp tinh thần nghiêm trọng, ba mẹ đã chứng kiến tôi cố gắng đến kiệt sức, nhưng kết quả đạt được rất thấp, họ đã chấp nhận cho tôi được kiểm tra y tế và điều trị. Sau đó, mỗi học kỳ tôi đều có sự tiến bộ rõ rệt với điểm số rất cao. Chỉ từ đó ba mẹ tôi mới chịu thay đổi quan điểm.
Tôi đã nuối tiếc rất nhiều vì nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì tương lai tôi đã đi theo một hướng khác tốt hơn hiện tại rất nhiều. Tôi đã bỏ qua rất nhiều cơ hội không chỉ vì ADHD, mà vì sự không hiểu biết của cha mẹ tôi đối với hội chứng này."

"Khi còn nhỏ, tôi không bao giờ được chữa trị tăng động giảm chú ý. Chỉ sau khi tốt nghiệp đại học và kết hôn, tôi mới bắt đầu được chẩn đoán và điều trị. Rất may tôi lại làm một công việc về phát triển phần mềm, một công việc đòi hỏi sự đam mê cao và khả năng tập trung cao độ, đây là một lợi thế của người bị ADHD như tôi."

"Cha tôi là một bác sĩ, và ông là người bác sĩ riêng của tôi trong suốt 30 năm đầu cuộc đời. Trong những năm đó, tôi luôn tự hỏi vì sao cố gắng thì nhiều mà thành quả thì quá ít, tôi đã hỏi cha tôi về ADHD lúc tôi 30 tuổi, nhưng ông từ chối và nói tôi hoàn toàn không bị ADHD. Tôi đã bí mật đi khám ở một phòng mạch của một chuyên gia tâm lý, và được kết luận rất rõ ràng: tôi mắc hội chứng ADHD.
Quan hệ giữa tôi và cha sau đó xấu đi trong 2 năm sau đó, vì ông đã thật sự làm tôi thất vọng. Nhưng cuối cùng tôi cũng tha thứ cho ông"

"Cả cha tôi và gia đình bên nội tôi đều không tin rối loạn tăng động giảm chú ý tồn tại. Sau khi cha mẹ li dị, tôi sống với mẹ và cha dượng, khi họ đưa tôi đi chẩn đoán ADHD, ông đã rất tức giận, và khi tôi được chỉ định dùng thuốc, ông đã gọi và báo cho tổ chức Bảo vệ trẻ em để tìm cách gây khó dễ cho mẹ và cha dượng tôi, ông nhiều lần nói với tôi là mẹ và cha dượng không muốn tôi trở thành một đứa trẻ bình thường!
Nay tôi đã gần 30 tuổi, mỗi khi nói tới rối loạn tăng động giảm chú ý, ông đều tỏ vẻ coi thường. Ông luôn nói không có vấn đề gì bất thường ở tôi cả. Tôi chỉ trả lời ông rằng: Cha đã đúng về việc không có gì bất thường với con cả, ngoài việc bộ não của con hoạt động theo cách khác với bộ não của cha."

"Tuổi thơ của tôi thật tồi tệ vì ADHD và không hề được điều trị cho đến khi 30 tuổi. Con gái tôi cũng mắc bệnh này, và tôi đã bắt đầu cho cháu đi điều trị. Cha tôi không chấp nhận việc đó và mẹ tôi thì bảo tôi chỉ nên cầu nguyện nhiều hơn. Nhưng tôi đã bất chấp điều đó để làm những gì phải làm.
ADHD đã cướp mất sự tự tin vào bản thân mình khi tôi còn nhỏ, tôi phát hiện điều đó cũng xảy ra với con gái tôi, tôi sẽ là một người cha rất tệ nếu chỉ khoanh tay đứng nhìn con tôi chịu đựng những gì tôi đã trải qua"

Có hàng trăm câu chuyện như vậy được chia sẻ trên Reddit.com, và hàng ngàn câu chuyện khác tương tự nhưng chưa được chia sẻ. Tất cả đều xuất phát từ sự thiếu kiến thức và cái nhìn tiêu cực về ADHD làm mất đi cơ hội được chẩn đoán và chữa trị sớm cho người mắc phải ADHD.

Nếu không được điều trị sớm, rối loạn tăng động giảm chú ý nhiều khả năng sẽ để lại di chứng nặng nề, trẻ lớn lên sẽ gặp nhiều thất bại trong cuộc sống mà không hiểu nguyên nhân do đâu, chúng sẽ trở nên tự ti về bản thân, rời xa tập thể, ít bạn bè, thất bại trong hôn nhân...từ đó dẫn đến chán nản, oán giận gia đình và xã hội. Hoặc nếu nặng hơn, trẻ lớn lên sẽ có khuynh hướng bạo lực, tìm đến thuốc lá, rượu bia, thậm chí nghiện ngập hút chích, trộm cắp, đua xe...

ADHD có thể được điều trị hiệu quả nếu được can thiệp và hỗ trợ sớm, nhất là ở độ tuổi từ 3-6 tuổi, vì vậy gia đình cần cho trẻ được chẩn đoán càng sớm càng tốt nếu có những dấu hiệu của hội chứng tăng động giảm chú ý, các chuyên gia, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp chữa trị tốt nhất cho từng trường hợp. Việc tăng hiểu biết về hội chứng tăng động giảm chú ý cũng sẽ giúp gia đình có thêm kiên nhẫn, kỹ năng xử lý những vấn đề của trẻ, giúp trẻ sớm hồi phục và đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống.

Archer Nguyen


Comments

Popular posts from this blog

Hỗ trợ cho trẻ có trí nhớ ngắn hạn kém

Làm thế nào để đối phó với rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Vì sao con quay Fidget Spinner có hiệu quả trong việc hỗ trợ cho người bị tăng động giảm chú ý (ADHD)?

"Chết! Tôi lại quên mất rồi"

Triệu chứng của ADHD là gì?

Một người mẹ giúp con mình từ trẻ tăng động trở thành huyền thoại thế giới

Tại sao trẻ lại không tập trung?

Dấu hiệu của tuổi già hay dấu hiệu của hội chứng giảm chú ý?