Tại sao trẻ lại không tập trung?

Là các bậc cha mẹ, chúng ta ai cũng mong con mình thông minh, khỏe mạnh, học giỏi, khi trẻ lên 6 cũng là lúc chúng ta được thấy con mình cắp sách đến trường. Nhưng bỗng nhiên một ngày, chúng ta lại phát hiện con mình lại hay bị phân tâm trong lúc học, khi người lớn nói thì không chú ý, hoặc không hiểu, học bài học đi học lại vẫn không thuộc. Vậy chúng ta phải xử lý ra sao?

Trong rất nhiều nguyên nhân phổ biến khiến trẻ không thể tập trung liên quan đến sức khỏe của trẻ, có thể trẻ thiếu chất dinh dưỡng cần thiết, bị cận thị... hầu hết đều có thể được điều trị hiệu quả nhờ sự tiến bộ của khoa học.

Nguyên nhân được xét đến cuối cùng khiến trẻ không thể tập trung chính là hội chứng tăng động giảm chú ý, hoặc ở một số trẻ chỉ biểu hiện ở triệu chứng giảm chú ý, giảm tập trung, tên tiếng anh của hội chứng là ADHD (Attention Deficit Hyperactivity Disorder). Hội chứng này đã được các tổ chức y tế thế giới công nhận vào những năm 1990s và hiện nay có nhiều loại thuốc để hỗ trợ điều trị cho trẻ, ngoài ra cũng có nhiều phương pháp tự nhiên, liệu pháp tâm lý có thể hỗ trợ cải thiện khả năng học tập cho trẻ. Hội chứng này có tính di truyền, nên thường nếu phát hiện trẻ mắc hội chứng này nghĩa là trong gia đình ba, mẹ hoặc người thân trong dòng tộc có người cũng mắc hội chứng này. Các bậc phụ huynh của trẻ này cần được trang bị kiến thức đầy đủ và sự kiên nhẫn, bao dung với trẻ để giúp trẻ vượt qua được những khó khăn trong học tập.

Các ông bố, bà mẹ nên chuẩn bị cho trẻ tâm lý tốt trước khi trẻ đến tuổi đi học, chúng ta cần tập dần thói quen làm việc theo giờ giấc cho trẻ, để trẻ quen với nếp sinh hoạt hàng ngày một cách hợp lý, khoa học. Một khi đã quen với cách sinh hoạt giờ nào việc đó, đến lúc trẻ đi học sẽ dễ dàng theo được thời khóa biểu của nhà trường nhờ các thói quen được định hình sẵn.

Không ít các bậc cha mẹ vì công việc bận rộn quanh năm, ít dành thời gian ở nhà với con, khi thấy trẻ có biểu hiện này thường cho rằng trẻ ham chơi, không nghe lời, dần dần mất kiên nhẫn và hay la mắng hoặc thậm chí trừng phạt trẻ. Tuy nhiên, đó là việc không nên làm vì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ sau này.


Trẻ đang ở lứa tuổi còn rất nhỏ, nên việc xao nhãng chưa tập trung học mà ham chơi là việc hoàn toàn bình thường. Thay vì ngay lập tức trừng phạt trẻ, chúng ta nên tìm hiểu trước xem trẻ có đang gặp khó khăn trong quá trình tập trung học hay không, hoặc trẻ đang có vấn đề với sức khỏe, hoặc đang có vấn đề xảy ra trong trường ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ.

Ngoài ra, nếu trẻ dễ bị phân tâm, nên cho trẻ một không gian riêng, và mọi thành viên trong gia đình đều tôn trọng không gian đó của trẻ. Gia đình nên phối hợp với nhà trường để có những biện pháp hỗ trợ tích cực cho trẻ khi thấy những biểu hiện kém tập trung, tăng động quá mức...để trẻ không cảm thấy mình bị cô lập.

Nếu các triệu chứng xảy ra thường xuyên, kéo dài, dù gia đình đã áp dụng nhiều cách để hỗ trợ nhưng vẫn không giúp được nhiều cho trẻ, thì gia đình nên đưa bé đến các bệnh viện để khám và chẩn đoán tìm ra nguyên nhân.

Để có thể hiểu hơn về chứng bệnh tăng động, giảm chú ý, các bạn vui lòng theo dõi tiếp trong những bài viết sau.

Archer Nguyen

Comments

Popular posts from this blog

Hỗ trợ cho trẻ có trí nhớ ngắn hạn kém

Làm thế nào để đối phó với rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

"Cha mẹ không chấp nhận tăng động giảm chú ý tồn tại, khiến bao nhiêu năm tôi luôn nghĩ mình là kẻ thất bại..."

Vì sao con quay Fidget Spinner có hiệu quả trong việc hỗ trợ cho người bị tăng động giảm chú ý (ADHD)?

"Chết! Tôi lại quên mất rồi"

Triệu chứng của ADHD là gì?

Một người mẹ giúp con mình từ trẻ tăng động trở thành huyền thoại thế giới

Dấu hiệu của tuổi già hay dấu hiệu của hội chứng giảm chú ý?