Triệu chứng của ADHD là gì?

Một đứa trẻ hoặc người trưởng thành chỉ có thể được kết luận mắc phải hội chứng ADHD - Tăng động giảm chú ý - chỉ khi có tối thiểu 6 trong số 9 triệu chứng được nêu ra trong bài viết sau đây, kéo dài liên tục ít nhất 6 tháng và xảy ra ở tối thiểu 2 môi trường khác nhau.

ADHD - viết tắt của Attention Deficit Hyperactivity Disorder, dịch sát nghĩa là hội chứng rối loạn tăng động và giảm khả năng tập trung chú ý, bao gồm rất nhiều triệu chứng khác nhau mà hầu hết những người bình thường cũng có thể gặp nhưng với mức độ nhẹ hơn và không thường xuyên, hội chứng gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, công việc và quan hệ xã hội của người mắc phải. Để có thể chẩn đoán chính xác, các bác sĩ căn cứ vào 9 triệu chứng cơ bản của hội chứng ADHD - tăng động và 9 triệu chứng cơ bản của hội chứng ADHD - giảm chú ý.

ADHD - dạng giảm chú ý
  • Thường không thể chú ý vào chi tiết, hay bị lỗi bất cẩn khi đi học ở trường đối với trẻ nhỏ, đối với người lớn thường bỏ qua các chi tiết nhỏ, không làm đầy đủ các yêu cầu trong công việc. Việc này có thể khiến người khác đánh giá là hay lơ đễnh, không chú ý vào công việc thay vì nhìn nhận đây là bệnh tăng động giảm chú ý.
  • Thường gặp khó khăn khi cần duy trì sự chú ý trong thời gian dài (Khi nghe các bài giảng ở trường, thuyết trình trong công ty, một cuộc trò chuyện dài, hoặc đọc những đoạn văn dài) cũng là một trong những dấu hiệu của tăng động giảm chú ý.
  • Thường tỏ ra không lắng nghe dù người khác đang nói chuyện trực tiếp với mình. Người đối diện có cảm giác như tâm trí người này đang ở nơi nào khác, cho dù không hề có yếu tố môi trường nào tác động gây phân tâm. Điều này khiến người khác cảm thấy người bệnh không tập trung vào cuộc nói chuyện, thậm chí có thể coi đây là thái độ coi thường người khác.
  • Thường không làm theo hướng dẫn, không hoàn thành bài tập ở nhà, không thích làm những việc vặt. Có thể bắt đầu làm, nhưng sau đó nhanh chóng giảm sự chú ý vào công việc đó và dễ dàng bị tác động, chi phối và chuyển sang làm việc khác lúc nào không hay trong khi vẫn chưa hoàn thành việc đang làm. Những dấu hiệu này sẽ khiến người lớn nghĩ rằng trẻ không nghe lời, lười biếng, ham chơi thay vì nghĩ trẻ đang gặp vấn đề về giảm chú ý.
  • Gặp khó khăn trong việc tổ chức, sắp xếp công việc và các hoạt động có tính phức tạp, thường là những công việc đòi hỏi phải chia nhỏ ra nhiều phần và thực hiện theo trình tự, không sắp xếp đồ đạc theo đúng vị trí, làm việc thiếu sắp xếp, thiếu tổ chức, không hoàn thành deadline. Người lớn có những dấu hiệu này sẽ bị đồng nghiệp và quản lý đánh giá là làm việc thiếu tính tổ chức thay vì nghĩ đây là dấu hiệu của bệnh ADHD.
  • Hay lưỡng lự, né tránh những nhiệm vụ đòi hỏi vận dụng trí não kéo dài (làm bài tập về nhà đối với học sinh, hay đối với thanh thiếu niên và người lớn là chuẩn bị báo cáo, viết biểu mẫu, đọc và kiểm tra những giấy tờ có nội dung dài). Vì người bị tăng động giảm chú ý biết những việc này sẽ rất khó thực hiện đối với họ.
  • Thường hay mất hay để quên những vật dụng cần thiết (dụng cụ học tập, giấy tờ, tài liệu, mắt kính, chìa khóa, điện thoại) là những phiền toái mà hầu như bất kỳ bệnh nhân tăng động giảm chú ý nào cũng đều gặp phải và lấy đi rất nhiều thời gian mỗi ngày của họ để tìm chúng.
  • Thường dễ bị sao nhãng bởi những kích thích bên ngoài (Thậm chí có thể phát sinh những suy nghĩ không liên quan đến việc đang làm hoặc đang nói dù không có yếu tố tác động). Mặc dù họ rất cố gắng để tập trung vào việc đang làm, nhưng họ không thể khống chế được phản ứng của bộ não trước những tiếng động hay lời nói của người khác.
  • Quên làm những công việc vẫn làm hàng ngày (gọi điện trả lời cuộc gọi nhỡ, thanh toán hóa đơn, các cuộc hẹn), điều này sẽ gây ra không ít rắc rối cho người bị ADHD.
ADHD - dạng tăng động
  • Khi ngồi một chỗ thường bứt rứt khó chịu, hay cựa quậy tay chân hoặc vặn vẹo người. Người lớn thấy trẻ như vậy thường cho rằng trẻ không nghiêm túc thay vì nghĩ trẻ bị chứng tăng động.
  • Thường rời chỗ ngồi dù trong tình huống phải ngồi tại chỗ (trong lớp học, trong cuộc họp...).
  • Hay chạy nhảy leo trèo trong những tình huống không phù hợp (Ở thanh thiếu niên và người lớn sẽ thay bằng cảm giác bồn chồn không yên). Việc này có thể khiến trẻ bị phạt ở lớp nếu bố mẹ và giáo viên không xét đến vấn đề bệnh lý.
  • Thường không thể tham gia các hoạt động giải trí trong im lặng.
  • Luôn tỏ ra rất nôn nóng, hành động như thể đang bị ai đó hối thúc. (Không cảm thấy thoải mái khi chờ đợi mà không làm việc gì, thường là khi đi đến nhà hàng hoặc các buổi gặp gỡ, hội họp, làm cho những người xung quanh thường có cảm giác người đó hay vội vàng, không bao giờ nghỉ ngơi).
  • Thường hay nói quá mức cần thiết.
  • Thường hay trả lời trước khi người khác hoàn thành câu hỏi (Hoặc kết thúc câu nói dùm người khác bằng từ ngữ của trẻ, không thể chờ đợi đến lượt mình nói).
  • Thường không chịu chờ đến lượt mình (Khi xếp hàng)
  • Thường xen ngang vào hoạt động của người khác (Xen ngang vào câu nói, hoặc xen ngang vào làm công việc người khác đang làm, sử dụng đồ vật của người khác mà không hỏi...).
Một đứa trẻ chỉ có thể được kết luận là mắc phải hội chứng Tăng động giảm chú ý - ADHD chỉ khi có ít nhất 6/9 triệu chứng trở lên cho một trong hai dạng ADHD nói trên, và phải có triệu chứng trong vòng ít nhất 6 tháng, các triệu chứng xảy ra ở ít nhất 2 môi trường khác nhau (Ví dụ: ở nhà và ở trường). Thêm nữa, các triệu chứng phải xuất hiện trước khi các trẻ lên tuổi 12. Trong khi đó, những trẻ lớn hơn 12 tuổi và người lớn thường phải có ít nhất 5 triệu chứng trong thời gian dài và trong hầu hết những môi trường sống khác nhau sẽ được chẩn đoán mắc phải hội chứng ADHD.

Ở trẻ em gái và phụ nữ mắc hội chứng ADHD, do có sự kiểm soát nhiều hơn về hành vi nên không dễ bộc lộ ra bên ngoài như nam giới. Để được chẩn đoán chính xác, trẻ em gái và phụ nữ phải tự điền vào một biểu mẫu được soạn riêng cho họ, liệt kê những cảm giác mà họ có thể gặp phải, chỉ cần chọn một trong 5 mức độ: Hoàn toàn đúng, đúng, không chắc, không đúng, hoàn toàn không đúng cho những nội dung sau:

Lo lắng và trầm cảm
  • Tôi thường cảm thấy như muốn khóc
  • Tôi bị đau bao tử và đau đầu thường xuyên
  • Tôi lo lắng rất nhiều
  • Tôi cảm thấy buồn nhưng không biết nguyên nhân
Lo lắng trong trường học
  • Tôi rất sợ bị giáo viên gọi, bởi vì tôi thường không lắng nghe cẩn thận
  • Tôi thường thấy xấu hổ vì không biết giáo viên bảo chúng tôi làm gì
  • Ngay cả khi tôi có gì đó muốn nói, tôi cũng không giơ tay và phát biểu trong lớp
Suy giảm kỹ năng xã hội
  • Thỉnh thoảng những cô gái khác không thích tôi, nhưng tôi không biết tại sao
  • Tôi hay tranh cãi với bạn tôi
  • Khi tham gia một nhóm nữ sinh, tôi không biết phải làm sao để tiếp cận, không biết phải nói gì
  • Tôi thường cảm thấy bị bỏ rơi
Cảm xúc hoặc phản ứng thái quá
  • Tôi cảm thấy mình dễ bị tổn thương hơn người khác
  • Cảm xúc của tôi thường dễ thay đổi
  • Tôi dễ bị thất vọng và tức giận hơn những người khác
Nhiều câu hỏi trong số này có thể áp dụng cho nam, nhưng đa phần được sử dụng chủ yếu cho nữ. Một đứa trẻ có thể gặp phải hầu hết các triệu chứng được kể trên, nhưng chưa chắc mắc phải hội chứng tăng động giảm chú ý. Để biết chắc chắn, các bác sĩ cần có sự xác nhận thêm từ người thân về mức độ ảnh hưởng của bệnh đến quan hệ xã hội, khả năng học tập và làm việc của người được chẩn đoán.

Nếu một người không bị ADHD, nhưng lại có các triệu chứng của hội chứng ADHD, thì cần tập trung tìm những nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng trên:
  • Những tác động tiêu cực từ gia đình hoặc nhà trường gây ảnh hưởng tinh thần tạm thời
  • Chế độ dinh dưỡng không phù hợp, thiếu chất
  • Dị ứng thực phẩm
  • Thiếu vận động
  • Bị giảm khả năng thính giác, thị giác
  • Mắc các hội chứng khác có triệu chứng gần giống: trầm cảm, rối loạn khả năng học tập (LD), rối loạn đối lập thách thức (OCD), rối loạn lưỡng cực...
Archer Nguyen

Comments

Popular posts from this blog

Hỗ trợ cho trẻ có trí nhớ ngắn hạn kém

Làm thế nào để đối phó với rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

"Cha mẹ không chấp nhận tăng động giảm chú ý tồn tại, khiến bao nhiêu năm tôi luôn nghĩ mình là kẻ thất bại..."

Vì sao con quay Fidget Spinner có hiệu quả trong việc hỗ trợ cho người bị tăng động giảm chú ý (ADHD)?

"Chết! Tôi lại quên mất rồi"

Một người mẹ giúp con mình từ trẻ tăng động trở thành huyền thoại thế giới

Tại sao trẻ lại không tập trung?

Dấu hiệu của tuổi già hay dấu hiệu của hội chứng giảm chú ý?